Theo Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngành Giày TBS Group: “Nền tảng để TBS Group có được thành công được xây dựng trên 6 chữ vàng Design – Sample – Price – Quality – Shipment – Audit. Tức là chúng tôi phải nỗ lực tìm giải pháp thiết kế, sản xuất mẫu mã đúng yêu cầu của khách hàng một cách nhanh nhất, phải tổ chức sản xuất để có được giá cả phù hợp, chất lượng sản phẩm ổn định theo yêu cầu của khách hàng, phải giao hàng đúng hạn, đồng thời phải đảm bảo môi trường sản xuất, an toàn, sức khỏe, thu nhập cho người lao động và luôn luôn có trách nhiệm với xã hội.”
Thị trường ngành da giày – túi xách đang có tiềm năng tăng trưởng lớn, với tổng dung lượng tiêu thụ toàn cầu hiện nay của ngành giày trung bình là 24 tỷ đôi/năm và túi xách 2,5 tỷ túi/năm.
Các chuyên gia quốc tế, kinh tế thế giới cho rằng năm 2017 sẽ tốt hơn năm 2016 và Trung Quốc tiếp tục chủ trương tập trung cho các ngành công nghệ cao và giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày, nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách đang dần chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội có được từ xu hướng dịch chuyển thị trường này, ngành da giày- túi xách cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về biến động thị trường, tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu nội địa thấp, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, biến động nguồn lao động, nỗi lo về chất lượng nhân lực và phải đối diện với những yêu cầu khắt khe của đối tác về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cũng như giá thành cung ứng…
Thực tế là mặc dù chiếm tới 77% trong tổng số 800 công ty sản xuất da giày và túi xách nhưng các DN da giày trong nước chỉ đáp ứng được 35% kim ngạch xuất khẩu với quy mô khá nhỏ. Trong đó, TBS Group nổi bật lên là doanh nghiệp nội địa đang sánh vai ngang hàng về quy mô với các doanh nghiệp FDI trong ngành và là đối tác sản xuất cho các thương hiệu thời trang đẳng cấp trên thế giới.
Ngành da giày- túi xách TBS tăng trưởng ổn định trong suốt 25 năm. Vốn điều lệ TBS đã đạt 770 tỷ đồng. Năm 2016, TBS đạt trên 10,5 ngàn tỷ đồng tổng doanh thu (ngành da giày đạt gần 6.8 ngàn tỷ đồng, ngành túi xách gần 3.8 ngàn tỷ đồng), tăng trưởng 11% so với năm 2015 và chào đón thêm nhiều khách hàng như Vera Bradley, PVH… với tỷ lệ tăng trưởng đơn hàng là 15-20%/năm.
Hiện nay, ngành túi xách đã làm chủ được phân khúc tự lo nguyên phụ liệu OEM (OEM- Origin Equipment Management), ngành giày TBS đang trong quá trình chuyển từ OEM sang có thể thiết kế sản phẩm (ODM- Origin Design Management). Trong chuỗi cung ứng, TBS đứng thứ 5 trong ngành SX da giày, thứ 4 trong ngành túi xách tại Việt Nam, phát triển bền vững, tiên phong và giữ vững vị thế trong ngành.
ĐIỀU GÌ GIÚP TBS GROUP DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG QUA HƠN 25 NĂM
Ông Phan Văn Phương, Giám đốc Trung tâm R&D 1 của TBS Group chia sẻ: “Các đối tác thời trang của chúng tôi luôn đặt ra những yêu cầu khắc khe về mặt chất lượng và dịch vụ. Điều đó, đòi hỏi chúng tôi phải tạo thêm giá trị và sự khác biệt trên từng sản phẩm. Và sự khác biệt ấy đến từ tầm nhìn của lãnh đạo và của tập thể TBS. Chúng tội không chỉ là những chuyên gia, biết cách tạo ra sản phẩm và dịch vụ chất lượng, mà chúng tôi còn khéo léo gởi gắm vào đó những giá trị văn hóa, niềm tin và tinh thần của tập thể. Đồng thời, chúng tôi luôn đặt câu hỏi cho mọi vấn đề chưa được thấu rõ và cùng nhau tìm ra giải pháp cho chúng. Thái độ này đã giúp chúng tôi củng cố niềm tin, sự tín nhiệm với đối tác, khách hàng.”
Với định hướng phát triển khách hàng tập trung, tức là đồng hành phát triển cùng một vài đối tác chiến lược và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, TBS Group đang là một bộ phận không thể tách rời trong chuỗi cung ứng của các nhãn hàng như Skechers, Decathlon, Wolverine trong ngành giày hay Coach, Lancaster, Tory Burch trong ngành túi xách.
Đồng thời, nhờ vào nền tảng khách hàng tốt, TBS có được dòng chảy đơn hàng dồi dào, phân bổ đều trong cả năm. Trong số đó, Decathlon là đối tác lớn và uy tín trên thị trường, sở hữu hệ thống 1200 siêu thị, luôn đảm bảo được số lượng đơn hàng lớn và ổn định, giúp TBS tối ưu được công suất và lợi nhuận, cũng như giảm thiểu được các rủi ro kinh doanh.
Hiện nay, TBS đã mở rộng được 19 nhà máy sản xuất da giày – túi xách trên cả nước, với hơn 38 ngàn lao động, trong đó có 1,814 nhân lực chuyên môn và 1,490 quản lý, lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và am hiểu ngành.
TBS là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đang sở hữu 4 trung tâm R&D mang đẳng cấp quốc tế: TT phát triển ngành giày, TT phát triển sản phẩm ngành đế, Trung tâm phát triển sản phẩm ngành túi xách, với tổng cộng 1,833 nhân lực; phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển, đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe của đối tác.